17/02/2022

Cần thiết xây dựng Luật Phát triển công nghiệp

Liên quan đến Đề nghị của Bộ Công Thương về việc cần thiết xây dựng Luật phát triển công nghiệp, sáng ngày 17/2/2022, tại trụ sở Bộ Tư Pháp đã diễn ra phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo đề nghị xây dựng Luật. Phiên họp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì, đại diện Bộ Công Thương, các đơn vị có liên quan và đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – VASI

Phát biểu tại Phiên họp, đại diện cơ quan chủ trì xây dựng Luật, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương, ông Trương Thanh Hoài đã nêu lên các căn cứ pháp lý của Đảng, Nhà nước về xây dựng Luật phát triển công nghiệp (Luật PTCN), đồng thời cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới và thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP) trung bình cao toàn cầu và ASEAN-4. Mặc dù vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, nền công nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc gây cản trở quá trình đột phá, tiến đến phát triển bền vững. Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật PTCN để phát triển nền công nghiệp quốc gia.

Đại diện Bộ Công thương cũng đã đưa ra 6 chính sách lớn để lấy ý kiến góp ý tại Phiên họp, cụ thể: Định hướng phát triển công nghiệp; Tăng cường liên kết ngành chuyên môn hóa theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp; Thúc đẩy phân bố không gian công nghiệp, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp; Phát triển bền vững trong công nghiệp; Thực hiện phân công, phân cấp trong phát triển công nghiệp.

Nhiều trăn trở về việc phát triển nền công nghiệp Việt Nam, Ông Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, đồng thời hiện cũng đang là Phó chủ tịch thường trực của Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – VASI đã chia sẻ một thực tế của các nước phát triển công nghiệp là: Không có nước phát triển công nghiệp nào mà không có 1 đạo luật về phát triển công nghiệp, trong khi nước ta đã định hướng xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa suốt nhiều năm mà chưa có 1 đạo luật về công nghiệp, do vậy đồng chí nhấn mạnh, việc xây dựng Luật PTCN là rất cần thiết. Về 6 chính sách mà đơn vị chủ trì đưa ra, Ông Phan Đăng Tuất cho rằng, “rất khó để nói thiếu, đủ hay thừa, nhưng là phù hợp để có thể tuyên chiến được cho những ai chưa hiểu về công nghiệp” và theo quan điểm của ông “chừng ấy vấn đề là cần thiết”.

Các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến sự cần thiết xây dựng Luật; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, khả thi của Luật; tính dự báo, điều kiện về nguồn lực, giải pháp để thực hiện; tính tương thích của chính sách với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật PTCN. Thứ trưởng  cho biết, chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước trong thời gian qua về phát triển nền quốc gia là rất rõ. Nền công nghiêp Việt Nam trong thời gian qua cũng có nhiều lúc thăng trầm, chưa nhất quán, do đó việc xây dựng luật lần này phải khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong phát triển công nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng lưu ý cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật. Phạm vi điều chỉnh phải xác định phù hợp hơn với tên gọi, đồng thời tiếp tục rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật khác để tránh chồng chéo, trùng lắp trong phạm vi điều chỉnh.

Thứ trưởng cũng đề nghị tiếp tục rà soát chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quy định trong luật. Chính sách nào đã được quy định trong các luật khác thì không quy định lại trong luật này. Trong xây dựng chính sách cần cố gắng có những đột phá, cụ thể, tránh quy định chung chung. Đồng thời cũng phải rà soát các chính sách liên quan đến phân công, phân cấp cho các Bộ, ngành để tránh chồng chéo trong các quy định của luật khác về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành…

Nguồn: VASI, Báo chính phủ, Tạp chí doanh nghiệp và thương mại

 

Trả lời